Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện đề án thí điểm đào tạo tập trung các môn học lý thuyết (gồm học, thời gian học, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp) trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B1, B2 và C.
Các môn học gồm có Pháp luật giao thông đường bộ; Cấu tạo và sửa chữa thông thường; Nghiệp vụ vận tải; Đạo đức, Văn hóa giao thông và Phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; Kỹ thuật lái xe.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hình thức học tập của đào tạo trên nền tảng số là sử dụng công nghệ để giảng dạy, bao gồm các hình thức học tập sử dụng các công cụ và tài nguyên kỹ thuật số như máy tính, smartphone, Internet, phần mềm, ứng dụng, trang web…
Ưu điểm của hình thức này là người học có thể học theo cách tự giác và độc lập, tự học mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí, thời gian học tập linh động…
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm đề án trong 2 năm kể từ ngày được chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 được thay đổi.
Phạm vi thí điểm là trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hiệp Phát thực hiện.
Sau khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời xem xét giải quyết đối với đề án đề xuất thí điểm (nếu có) của các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhằm tránh tình trạng độc quyền.