Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành ngày 09/11/2024, thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP (tạm gọi là Nghị định 147) có những chính sách mới nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Một trong những điểm mới của Nghị định 147 là quy định người dùng mạng xã hội) phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Cụ thể, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người dùng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Điểm e, Khoản 3, Diều 23 của Nghị định 147 quy định rõ: Đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp người dùng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, những quy định này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Thông qua quy định về bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội, Nghị định 147 sẽ ràng buộc trách nhiệm của người dùng và các nhà mạng nhằm sàng lọc nội dung xấu độc, bảo vệ thông tin người dùng.
Nghị định 147 cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Người dùng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Theo Nghị định 147, chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã...
"Thời gian tới, tôi hy vọng số lượng các vụ việc lừa đảo sẽ giảm đi bởi khi chúng ta tiến hành xác thực những tài khoản đó thì ít nhất, cơ quan công an cũng sẽ xác minh được tài khoản thực sự phía sau, đứng sau các tài khoản ấy và đăng ký dưới tên của những cá nhân nào và sẽ có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ các cơ quan công an trong quá trình điều tra, xác minh những tài khoản này" - Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết.
Nghị định 147 cũng bao gồm các quy định liên quan đến trẻ em dưới 16 tuổi khi sử dụng mạng xã hội. Theo đó, trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại trên mạng, đồng thời tăng cường vai trò của gia đình trong việc giám sát và hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.
Nghị định 147 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - nhận định: "Chúng ta cần có một môi trường sống lành mạnh, môi trường sống có động lực, đem lại hiệu quả. Internet, môi trường số, online cũng vậy. Chúng ta cần có sự tin cậy và căn cứ vào sự tin cậy, tương tác gia tăng, đem lại nhiều giá trị cho đời sống kinh tế xã hội".