Hoạt động quảng cáo đi kèm với các nội dung số đang tăng trưởng nhanh chóng và trở thành xu hướng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại bất cập trong hoạt động quảng cáo khi chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, vẫn tiếp tục có 15 tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính và 73 trang thông tin điện tử vi phạm hoạt động, đặt ra thách thức trong công tác quản lý Nhà nước.
Với vai trò quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, chiều 30/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng vấn đề này và đưa ra hướng giải pháp.
Hiện nay, có một thực trạng là nhiều quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục... trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác.
Nguyên nhân là do hầu hết thương hiệu khi quảng cáo chỉ yêu cầu số lượng view (lượt xem) nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng đến lợi nhuận thay vì kiểm soát xem quảng cáo gắn ở nội dung nào.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm trước, pháp luật vẫn còn chưa thực sự chặt chẽ, hoàn thiện trong vấn đề quản lý quảng cáo mạng. Tuy nhiên, thời điểm này đã khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nền tảng tuân thủ chặt chẽ pháp luật Việt Nam. Bộ sẽ xử lý các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không thông báo thông tin liên hệ. Đối với doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông xác minh và xử lý, công bố công khai các đơn vị vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã xây dựng danh sách các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động. Các nhãn hàng có thể quảng cáo an toàn trên các kênh thông tin này. Ngoài ra, Bộ cũng lập danh sách những trang web/kênh có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, đưa ra cảnh báo không được phép quảng cáo.
theo VTV