Lần đầu tiên, Việt Nam có giải thưởng dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số. Đây là giải thưởng do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, dành cho các cá nhân, tổ chức với nhiều hạng mục như Phim ngắn, Phim hoạt hình, Phim quảng cáo, Sản phẩm nội dung số lĩnh vực giáo dục, Nhà sáng tạo nội dung số xuất sắc… Theo BTC, mục đích của giải thưởng là nhằm khuyến khích cộng đồng sáng tạo nội dung số, tạo ra những sản phẩm nội dung chất lượng cao, có giá trị văn hóa giáo dục sâu sắc, từ đó góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số, ngành công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.
Những năm gần đây, sáng tạo nội dung số đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tính tới năm 2022, có khoảng 20.000 nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực này, với doanh thu lên tới 800 triệu USD.
Phim hoạt hình, âm nhạc, trực tuyến, game online, sách nói, truyện tranh ảnh, thiết kế nội dung, giáo dục trực tuyến… đang là những lĩnh vực đầy hứa hẹn của nội dung số. Số lượng người tham gia càng đông đảo, có những người được gọi là nhà làm sáng tạo nội dung. Các doanh nghiệp cũng coi sáng tạo nội dung số là một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, nhận định từ chính những người trong nghề, sáng tạo nội dung đang đòi sự chuyên nghiệp và đầu tư bài bản. Thực tế, Việt Nam mới chỉ đông về số lượng chứ chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đội ngũ làm nội dung số hiện nay hầu hết là những nhà sáng tạo tự do, coi việc sáng tạo nội dung số là giải trí đơn thuần, nên công việc này chưa thực sự được coi trọng. Nhiều người trong đó chưa có kiến thức chuyên môn căn bản về nội dung số, chưa có doanh nghiệp chuyên nghiệp trong lĩnh vực để có nguồn nhân lực mạnh. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc phát triển nội dung không có chiến lược bài bản.
Trong công nghiệp nội dung số, sự chú ý của công chúng thể hiện qua số lượt tương tác, tạo ra giá trị kinh tế cho người làm nội dung. Do chạy theo trào lưu nhưng chưa có đầy đủ kiến thức chuyên nghiệp, không ít người sản xuất nội dung đã chạy theo thị hiếu nhất thời của đám đông, tạo ra những sản phẩm kém chất lượng, thay vì cạnh tranh bằng chất lượng, sự sáng tạo đúng nghĩa.
Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có khoảng 78 triệu người dùng Internet, tương đương gần 80% tổng dân số. Số người sử dụng mạng xã hội là khoảng 70 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia do chưa có tính chuyên nghiệp nên Việt Nam chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể, kịp thời để hỗ trợ ngành phát triển nội dung số. Trong khi các quốc gia phát triển trên thế giới đã coi đây là một ngành kinh tế mang lại lợi nhuận khổng lồ. Nếu muốn nhanh chóng bắt kịp cuộc chơi này, đồng thời tạo ra môi trường nội dung số văn minh, lành mạnh thì đòi hỏi một chính sách tổng thể và chuyên nghiệp cho ngành sáng tạo nội dung số.