Cấu trúc đa bào của anthrobot, được bao quanh bởi các lông mao trên bề mặt, cho phép nó di chuyển và khám phá môi trường xung quanh. (Ảnh: Gizem Gumuskaya Tufts University)
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts và Viện Wyss của Đại học Harvard đã tạo ra những robot sống nhỏ bé từ tế bào con người, có tiềm năng giúp chữa lành vết thương hoặc mô bị tổn hại trong tương lai. Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho sáng tạo mới này là anthrobot. Nghiên cứu được xây dựng dựa trên công trình trước đó của một số nhà khoa học, những người đã tạo ra robot sống đầu tiên hay xenobot, từ tế bào phôi của loài ếch có vuốt châu Phi (Xenopus laevis).
Các nhà khoa học đã sử dụng tế bào người trưởng thành từ khí quản của những người hiến tặng ẩn danh ở các lứa tuổi và giới tính khác nhau để tạo ra anthrobot. Đồng tác giả nghiên cứu Gizem Gumuskaya cho biết, họ tập trung vào loại tế bào này vì chúng tương đối dễ tiếp cận do có liên quan tới COVID-19 và bệnh phổi, quan trọng hơn là các nhà khoa học tin rằng sẽ làm cho tế bào này có khả năng chuyển động.
Các tế bào khí quản được bao phủ bởi các lông mao. Gumuskaya đã thử nghiệm và tìm ra được cách khuyến khích lông mao hướng ra ngoài trên các cơ quan. Trong điều kiện phù hợp, các cơ quan sẽ trở nên di động sau vài ngày, với các lông mao hoạt động như mái chèo.
Tác giả nghiên cứu Michael Levin và Gumuskaya cho biết rằng mục tiêu của họ là xem anthrobot này có thể được ứng dụng trong y tế hay không. Họ phát hiện ra rằng các anthrobot có thể thúc đẩy sự phát triển của các vùng tế bào thần kinh bị tổn thương, mặc dù cơ chế vẫn chưa được làm rõ.
Falk Tauber, trưởng nhóm tại Trung tâm Vật liệu Tương tác và Công nghệ lấy cảm hứng sinh học Freiburg tại Đại học Freiburg ở Đức, cho biết nghiên cứu này là cơ sở cho việc chế tạo và sử dụng robot sinh học cho các chức năng khác nhau trong tương lai.