Stop motion - công nghệ làm phim lâu đời bậc nhất thế giới
Phim hoạt hình 2D và 3D đã trở thành xu hướng, thậm chí còn thống trị các phòng vé và nhà đài trên toàn cầu. Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ đó, những bộ phim hoạt hình sử dụng công nghệ stop motion vẫn giữ được sức hấp dẫn của riêng mình. Những cái tên nổi bật như series Shaun the Sheep nổi tiếng của Mỹ, hay loạt phim "make in Vietnam" - Luka và Clay Mixer trong hệ sinh thái WOA (thuộc sở hữu của Sconnect Việt Nam) vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả toàn cầu.
Được biết đến là công nghệ sản xuất hoạt hình lâu đời bậc nhất thế giới, những thước phim stop motion là sự kết hợp mượt mà của hàng nghìn bức ảnh tĩnh. Các nhân vật được dựng lên theo từng động tác, chụp hình và ghép lại với nhau, tạo cho người xem cảm giác nhân vật đang chuyển động.
Bộ phim hoạt hình stop motion nổi tiếng Shaun the Sheep
"Siêu phim trường" thu nhỏ của phim hoạt hình Clay Mixer
Vận dụng linh hoạt các kỹ thuật stop motion cùng chất liệu đất sét, Sconnect đã tạo được thành công nhất định với loạt phim Clay Mixer. Đằng sau những video triệu view là tâm huyết của cả một ekip ngày đêm miệt mài sáng tạo để mang sản phẩm stop motion Việt đến với thế giới.
Nguồn nhân sự nhiệt huyết ấy cũng đã tạo nên một "siêu phim trường thu nhỏ" cho bộ phim ăn khách này. Bên trong xưởng sản xuất Clay Mixer tại Hà Nội có hàng chục bối cảnh được thiết kế đa dạng, từ nhà cửa, công viên, đường phố đến thế giới kỳ ảo đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn. Các bối cảnh được tạo hình sống động, góp phần mang lại những trải nghiệm hấp dẫn cho người xem.
Bối cảnh đất nặn đồ sộ, sáng tạo của loạt phim Clay Mixer
Sử dụng đất nặn là chất liệu chính, các nhân vật trong loạt phim Clay Mixer được đội ngũ sản xuất "nhào nặn" theo đúng nghĩa đen để tạo ra hàng trăm phiên bản khác nhau. Mỗi phiên bản đều mang một sắc thái cảm xúc, hành động riêng biệt, phù hợp với từng phân cảnh.
Clay Mixer được tạo dựng tỉ mỉ đến từng chi tiết
Để hiện thực hóa những ý tưởng bay bổng và sáng tạo, nhân sự diễn hoạt sẽ phải "nhập vai" và "diễn xuất" với các nhân vật và bối cảnh đã được tạo hình kỳ công từ trước.
Mỗi bối cảnh lớn được tạo nên từ rất nhiều chi tiết. Bên cạnh nguyên liệu như xốp, giấy, nhựa, đội ngũ sản xuất cần nhào nặn tỉ mỉ để biến cục đất sét trở thành những đồ vật, đồ ăn bé xíu nhưng vẫn đảm bảo sự tinh tế và chân thật. Điều này không chỉ đòi hỏi ở người diễn hoạt sự sáng tạo, bay bổng và khéo léo ở mức tối đa mà còn phải đặt cái tâm của mình trong từng chi tiết.
Những tạo hình của nhân vật Tiny - Clay Mixer được tạo hình tỉ mỉ từng chi tiết
Hoàn thiện bối cảnh đã khó, tạo hình nhân vật cũng không dễ dàng. Không chỉ nặn nhân vật theo những tiêu chuẩn có sẵn, mỗi người diễn hoạt cần đặt cảm xúc của mình vào từng chi tiết: từ ánh mắt, cái nhăn mũi hay khóe miệng... Tất cả biểu cảm phải thể hiện chính xác cảm xúc của nhân vật, đồng thời mang đến sự sinh động phù hợp với bối cảnh và câu chuyện.
Mỗi nhân vật được lồng ghép vào các bối cảnh, chụp ảnh và ghép hàng nghìn tấm ảnh với nhau, thêm thắt âm thanh, hiệu ứng sống động để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Trung bình, một đoạn phim ngắn dài 2 phút cần sử dụng tới 2.700 bức ảnh. Con số này phần nào nói lên sự kỳ công mà đội ngũ sản xuất đã dày công thực hiện.
Vận dụng linh hoạt các kỹ thuật stop motion kết hợp chất liệu đất sét, loạt phim Clay Mixer của công ty Sconnect Việt Nam đã đạt gần 5 triệu lượt đăng ký trên 2 kênh YouTube và hơn 300 triệu lượt xem hàng tháng trên nền tảng này. Đây được xem là bước đệm đánh dấu hoạt hình stop motion của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Bên cạnh dòng phim hoạt hình ngắn tập, Clay Mixer sẽ sớm cho ra mắt sản phẩm Tiny Series dài tập kể về hành trình của cậu bé Tiny và những người bạn ở xứ sở đất sét, hướng đến những nền tảng trả phí trên toàn cầu. Với những thành công của Clay Mixer cùng sự tâm huyết và sáng tạo của ekip Việt, Tiny Series có nhiều tiềm năng để góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên thị trường hoạt hình stop motion toàn cầu.