Chuỗi sự kiện Open Innovation Day 2023 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với thông điệp "nơi công nghệ gặp gỡ công nghiệp" đã quy tụ hơn 100 chuyên gia đầu ngành đến từ các tổ chức quốc tế, các trường, viện nghiên cứu, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp (start-up) trong nước và quốc tế.
Nông nghiệp thông minh và công nghệ thực phẩm là một trong những chủ đề tại sự kiện thu hút các start-up và các chuyên gia.
Startup trình bày giải pháp tiết kiệm phân bón trong nông nghiệp.
Trình bày giải pháp hiệu quả của công nghệ phân bón "thông minh" có yếu tố AI trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân bón và duy trì nông nghiệp bền vững tại sự kiện, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc của Enfarm Agritech, một start up công nghệ hướng vào nông nghiệp cho biết: "theo ước tính của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, nếu bón phân đúng cách như chúng ta đang làm thì giảm được 20% chi phí phân bón và tăng 20% năng suất cây trồng. Đối với cây cà phê, việc bón phân với công thức phù hợp chúng tôi ước lượng tăng thu nhập cho nông dân gấp rưỡi".
Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, đánh giá "tỷ lệ khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đâu đó vào khoảng 60 đến 70% và công nghệ các startup đưa vào đã khá phù hợp. Tuy nhiên, đòi hỏi cần có những yếu tố thời đại như tạo ra những sản phẩm có giá trị cân bằng carbon, giải quyết biến đổi khí hậu, đưa quy trình tối ưu hóa công nghệ vào giải quyết triệt để trong việc lệ thuộc vào thiên nhiên".
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiệu suất bón phân chỉ đạt 40%, tức khoảng 60% lượng phân không được cây hấp thụ bị giữ lại trong môi trường. Quy mô thất thoát hằng năm tương đương 60.000 tỷ đồng, tính theo giá phân bón hiện nay.
Ông Tùng cũng cho rằng, để giải quyết các thách thức của nền nông nghiệp hiện nay, trong đó có vấn đề phân bón thì sẽ giải quyết được yếu tố cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt đặt trong bối cảnh Việt Nam cam kết mạnh mẽ các vấn đề môi trường. Giải pháp cho vấn đề này không con đường nào khác tối ưu hơn là theo đuổi tiêu chí xanh và công nghệ.
Ứng dụng công nghệ AI trong nông nghiệp giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân bón, bảo vệ môi trường.
Giải bài toán phân bón cũng là góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường. Sản xuất phân đạm, một trong ba dưỡng chất quan trọng nhất đối với cây trồng, tốn nhiều năng lượng và lượng phân đạm không được cây hấp thụ sẽ thải ra khí Dinitơ Nonoxide vốn làm gia tăng nhiệt độ trái đất nhanh hơn rất nhiều so với khí carbonic.
Nói thêm về giải pháp thiết bị công nghệ giúp đo lường tiết kiệm phân bón ông Nguyễn Đỗ Dũng giải thích: "Trí tuệ nhân tạo AI chúng tôi triển khai quan trọng là dữ liệu và tiết kiệm chi phí. Khi có dữ liệu về các số liệu trong đất, dinh dưỡng, độ ẩm,…thì AI sẽ khuyến cáo người nông dân bón cái gì, lượng bao nhiêu. AI sẽ đánh giá dựa trên dữ liệu đầu vào. Bên cạnh đó, yếu tố AI cũng cho nông dân những khuyến cáo "bắt bệnh" cho cây trồng theo các tiêu chí khoa học mà dữ liệu cung cấp, từ đó giúp nông dân giảm thời gian, tiết giảm chi phí đầu vào, công chăm sóc".
Tuy nhiên, theo chuyên gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ xanh gắn với các mô hình nông trại hiện nay thì chi phí đang là trở ngại lớn nhất.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ chia sẻ, để các start-up có thể đứng vững và theo đuổi lâu dài cái mô hình nông nghiệp xanh với hàm lượng công nghệ cao, chương trình gặp gỡ tại Open Innovation Day đã trao đổi các giải pháp. Theo đó, start-up có thể tối ưu hóa các dây chuyền thiết bị theo mô hình kinh tế chia sẻ, có thể dùng chung có thể cho thuê. Có thể tối ưu hóa thiết bị, nhà xưởng mà các tập đoàn lớn chưa khai thác hết công suất. Từ đó tạo nên một hệ sinh thái có thể hỗ trợ start-up", ông Phạm Hồng Quất nói.