Trong năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh vào tháng 10 và đỉnh dịch vào giữa tháng 11. Tuy nhiên từ đầu năm 2023, sốt xuất huyết đã xuất hiện và lây lan nhanh chóng. Từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có tại 26/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 9 ổ dịch sốt xuất huyết.
Thời tiết nồm ẩm, mưa khiến cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Tuy sốt xuất huyết tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng người dân có ý thức phòng bệnh chưa cao. Nhiều người còn chủ quan khi bị sốt chỉ nghĩ bị sốt virus, khi nhập viện thì đã mắc sốt xuất huyết nặng.
Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại bệnh viện tăng, trong đó tỷ lệ người lớn bị bệnh cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3-4 ca chuyển nặng.
Trước sự bùng phát của nhiều bệnh truyền nhiễm, hầu hết các bệnh viện ở Hà Nội có khoa Nhi và Bệnh viện Nhi Trung ương đều rơi vào quá tải.
Nhiều chùm ca bệnh thủy đậu, tay chân miệng xuất hiện tại các trường mầm non, tiểu học
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 248 ca tay chân miệng (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 ca), 800 ca thuỷ đậu (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 11 ca). Đặc biệt, tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận một số chùm ca bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần vừa qua, Thủ đô đã ghi nhận 63 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn so với tuần trước), có thêm 4 ổ dịch tại trường mầm non ở các quận, huyện: Hoàng Mai, Đan Phượng và Thạch Thất, nâng lên thành 8 ổ dịch từ đầu năm tới nay.
Trước sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm và quá tải bệnh nhi nhập viện, CDC Hà Nội nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân nên đã kích hoạt các đơn vị trong ngành tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả. Giám sát và xử lý hiệu quả các ổ dịch thuỷ đậu, tay chân miệng để ngăn chặn bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các bệnh truyền nhiễm như thuỷ đậu, cúm, sởi, ho gà…đều có vaccine phòng bệnh, nhưng thời gian qua, nhiều phụ huynh còn trì hoãn tiêm cho con. Vì vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo CDC yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng, đồng thời tổ chức tiêm vét cho tất cả các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
theo VTV