Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục Thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được ngành thuế coi là ưu tiên hàng đầu và việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp các doanh nghiệp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, công sức trong việc lập, hạch toán; đối chiếu dữ liệu, nhận, gửi hóa đơn và giảm thiểu rủi ro liên quan đến hóa đơn.
Đến nay, hệ thống hoá đơn điện tử của cơ quan thuế có thể tiếp nhận và xử lý 6,4 tỷ hóa đơn/năm, tương đương với trung bình 175 triệu hóa đơn/ngày.
Từ ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế cũng đã tiếp tục mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đến nay đã có 12.864 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.
Ngoài ra, đã có 287.212 lượt đăng ký sử dụng ứng dụng eTax Mobile và 49 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký kê khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin của ngành thuế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức kết nối, triển khai dịch vụ thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile để đẩy nhanh việc triển khai, nâng cao tiện ích, dễ dàng trong việc nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp tục nâng cấp, mở rộng tích hợp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Đồng thời, ngành thuế sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phối hợp trong việc kết nối, trao đổi dữ liệu, cung cấp thông tin, phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm, cố tình không tuân thủ.
"Đối với việc vận hành hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành thuế tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong để sử dụng mã căn cước công dân khi xác thực tài khoản đăng nhập dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế", ông Đặng Ngọc Minh thông tin.
Cũng theo Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh, ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng cơ quan thuế địa phương trong quá trình triển khai các dịch vụ thuế điện tử người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.
Theo Luật Căn cước công dân 2014, số định danh cá nhân chính là số Căn cước công dân của công dân, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, khi mọi công dân có mã số định danh cá nhân, có thể sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.