Ngày 9/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Quan điểm, tư tưởng xuyên suốt của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là gì thưa ông?
Trong suốt quá trình xây dựng, trình và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, quan điểm chỉ đạo, tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ TT&TT đối với dự án Luật này đó là quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Luật này tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, xử lý nhiễu có hại góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện.
Việc sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.
Xin ông cho biết mục tiêu sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện?
Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Luật cũng thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”.
Thông qua thể chế hóa kịp thời chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, việc sửa đổi dự thảo Luật nhằm thúc đẩy quá trình quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số, cụ thể là quản lý, sử dụng tần số có giá trị thương mại cao; việc quản lý, sử dụng tần số trong đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; quản lý đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ chủ quyền về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cũng nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Sau khi Luật Tần số vô tuyến điện được thông qua đến nay, hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới có liên quan đã được ban hành. Trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Phí và lệ phí năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Đầu tư năm 2020, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) cần thiết có sự sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp.
Trong Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi có những điểm gì mới so với luật cũ?
Luật sửa đổi lần này đã hoàn thiện đồng bộ các quy định từ lập, ban hành quy hoạch tần số đến việc cấp phép tần số để quản lý, sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là với những băng tần “quý hiếm”.
Thông qua cơ chế quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng, cùng với những quy định tường minh hơn về đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp sẽ giúp tạo lập môi trường viễn thông cạnh tranh, tránh độc quyền và giúp cho khâu thực thi cấp phép đối với băng tần “quý hiếm” được thuận lợi hơn. Song song với đó là quy định về cam kết triển khai mạng viễn thông, xử lý vi phạm cam kết áp dụng đối với các trường hợp được cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần nhằm bảo đảm tần số phải được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển mạng viễn thông mà Nhà nước đặt ra cho doanh nghiệp.
Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt, được sử dụng tần số ngoài quy hoạch. Đây là những trường hợp có yếu tố quốc tế hoặc yếu tố công nghệ mới, sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy hoạch của các quốc gia mà không theo quy hoạch tần số của Việt Nam, sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới, sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế. Quy định mới này của Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn thời gian qua và phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài, ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất, xuất khẩu các thiết bị viễn thông, thiết bị công nghệ thông tin của Việt Nam.
Cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, Luật sửa đổi đã quy định xã hội hóa việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, giao các cơ sở đào tạo đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ, Bộ TT&TT đóng vai trò quản lý, giám sát.
Luật cũng sửa đổi các quy định hiện hành nhằm nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh trong tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia.
Một quy định rất mới của Luật, được Quốc hội bỏ phiếu biểu quyết riêng, đó là quy định trong trường hợp đặc biệt, băng tần “quý hiếm” được cấp trực tiếp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lấy ý kiến các Bộ liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện đề án và được cấp giấy phép sử dụng băng tần. Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về tần số vô tuyến điện đối với lượng tần số sử dụng để phát triển kinh tế như các doanh nghiệp khác và chịu sự kiểm tra, thanh tra trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc thực hiện đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi sẽ tác động đến đối tượng nào thưa ông?
Với 5 nhóm chính sách lớn và các vấn đề có liên quan được sửa đổi, bổ sung lần này, dự thảo Luật sẽ có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng doanh nghiệp, người sử dụng tần số. Trong đó có 3 nhóm đối tượng chính.
Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động (các nhà mạng di động) sẽ là những người cảm nhận tác động rõ nhất với việc sửa đổi, bổ sung quy định về cho phép cấp lại giấy phép sử dụng băng tần sau khi hết hạn để ổn định kinh doanh, yên tâm đầu tư phát triển công nghệ mới; giới hạn tối đa tổng độ rộng một doanh nghiệp được cấp phép tránh tích tụ tài nguyên, bảo đảm cạnh tranh công bằng; đấu giá băng tần dành cho thông tin di động, cấp phép cho thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông...
Thứ hai là nhóm tổ chức tham gia vào công tác đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên cũng nhận được tác động tích cực khi mà đến ngày 1/7/2024 chính thức xã hội hóa việc đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên để các doanh nghiệp thực hiện thay vì Bộ TT&TT như hiện nay, mang lại lợi ích cho hàng vạn khai thác viên vô tuyến điện được rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ.
Thứ ba là nhóm các doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm phát triển công nghệ mới cũng được hưởng lợi khi mà Luật đã bổ sung quy định cho phép cấp phép sử dụng các tần số ngoài phạm vi quy hoạch để phục vụ những mục đích này.