"Có cũng như không"
Tại một khu trọ được gắn mác "chung cư mini", hệ thống phòng cháy chữa cháy còn sơ sài, không hề có hệ thống báo cháy, hộp dụng cụ chữa cháy. Thậm chí, tại đây chỉ có 2 bình cứu hỏa được đặt tại khu vực tầng 1 là nhà để xe. Các tầng còn lại mỗi tầng gồm 4 phòng được trang bị 1 bình cứu hoả.
Nhiều khu chung cư không có hệ thống báo cháy (Ảnh: Minh Toàn).
Cầu thang bộ lên xuống giữa các tầng chỉ đủ 1 người đi. Tầng 7 - tầng cao nhất của toà nhà được "trưng dụng" để phơi quần áo. Lối thoát duy nhất khi có sự cố xảy ra là thang bộ. Ngoài ra, khu trọ này nằm sâu trong ngõ nhỏ, không có lối ô tô đi vào. Điều này gây hạn chế rất lớn cho công tác phòng cháy chữa cháy khi xảy ra sự cố.
Anh Khổng Bá Duy (20 tuổi, Hà Nội) – người thuê phòng tại đây cho biết: "Những bình chữa cháy ở đây không biết là bình cũ hay bình mới, còn dùng được hay không? Mà cầu thang bộ thì bé, cháy thì không biết chạy đi đâu, may mà thuê được phòng ở tầng 2…".
Tại một khu trọ khác, hệ thống các phòng được chia nhỏ nhằm tối ưu hoá diện tích cho thuê. Cửa sổ được xây dựng theo lối chuồng cọp, mọi vị lối thoát hiểm đều được rào kín bằng sắt nhằm "chống trộm". Thậm chí, tại khu phòng trọ 6 tầng này còn không có tầng thượng hay ban công, lối thoát hiểm duy nhất khi có sự cố xảy ra là cầu thang bộ.
Hệ thống cửa sổ, ban công được rào kín bằng những thanh sắt, bịt kín các lối thoát hiểm khi có sự cố xảy ra (Ảnh: Minh Toàn).
Hệ thống phòng cháy chữa cháy dù đã được trang bị hộp dụng cũ chữa cháy, tuy nhiên có dấu hiệu không sử dụng được do cũ và không được bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên. Hệ thống báo cháy và chữa cháy khẩn cấp cũng không được trang bị.
Hầu hết những bình cứu hoả được trang bị tại các khu chung cư mini, phòng trọ này đều không có tem kiểm định, khó có thể kiểm tra được chất lượng. Thậm chí, nhiều bình cứu hoả đã bám đầy bụi, không được bảo dưỡng thường xuyên.
Có thể nói, những bình cứu hoả này "có cũng như không"...
Nhiều bình cứu hoả không tem kiểm định bám bụi do lâu ngày không được kiểm tra, bảo dưỡng (Ảnh: Minh Toàn).
Anh Cao Hoàng Anh Dũng (23 tuổi, Hà Nội) người thuê phòng cho biết: "Biết là mấy cái bình cứu hoả hình thức này có cháy cũng không chắc đã dập được nhưng mà phòng này ở gần trường nên chịu thôi, chắc gì đã cháy mà sợ…". Tâm lý chủ quan của người thuê trọ cũng là một trong những hạn chế, khiến những chủ của các căn hộ mini này không chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Đáng chú ý, trước khi vụ cháy tại Khương Hạ, Thanh Xuân xảy ra, một khu dân cư trên địa bàn huyện Hoài Đức đã chặn cửa thoát hiểm tầng 2 vì nhiều lý do. Tuy nhiên, sau khi vụ cháy xảy ra, khu dân cư này đã nhanh chóng tháo dỡ các mối hàn, trả lại nguyên vẹn cửa thoát hiểm.
Ảnh cửa thoát hiểm tại một khu chung cư trước và sau khi vụ cháy ở Khương Hạ, Thanh Xuân xảy ra (Ảnh NVCC).
Phải lắp đặt đủ thì mới được phép hoạt động
Theo điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini được quy định: Với nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3 phải có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn; có phương án chữa cháy đã được phê duyệt; hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn, có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Đối với Với nhà chung cư cao 7 tầng trở lên, ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini dưới 7 tầng ở trên thì với chung cư trên 7 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Theo luật sư Dương Lê Ước An: "Hệ thống cơ bản của 1 hệ thống báo cháy tự động cho phòng Trọ - căn Hộ mini bao gồm: Phần trung tâm thiết bị báo cháy tự động (dạng tủ báo cháy), các thiết bị hệ thống đầu vào như: Thiết bị báo khói, báo nhiệt, báo gas, báo lửa, cảm biến tăng nhiệt độ, nút công tắc khẩn (gắn ở các cầu thang, lối đi ) để khi thoát hiểm, người dùng có thể nhấn để mọi người xung quanh biết có cháy và thoát ra. Cuối cùng là các thiết bị đầu ra như bảng hiển thị phụ, đèn báo động, đèn exit, bộ quay số điện thoại tự động.
Nếu thiếu 1 trong các bộ phận cơ bản như còi báo cháy, cảm biến…thì cơ sở đó không được cấp phép hoạt động…".
Theo quy định tại khoản 5 Điều 41 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; không trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới theo quy định của pháp luật..."
Mức phạt tiền này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.