Phát động từ năm học 2013-2014, trải qua 10 năm triển khai, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức ngày càng thu hút đông đảo học sinh trên cả nước tham gia.
Trong 10 năm qua, đã có hơn 18.500 dự án của học sinh trung học tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thu hút hơn 33.000 học sinh cả nước tham gia.
Đối với cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, trong 10 năm qua, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có dự án của học sinh dự thi. Tổng số dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia là 3.112 dự án.
Đoàn Hà Nội tại Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ 10. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị
Số liệu thống kê cho thấy, tất cả các tỉnh, thành phố đều có dự án đoạt giải, trong đó, số dự án đoạt giải của địa phương có ít nhất là 5, nhiều nhất là 137. Hà Nội là địa phương có số lượng dự án đoạt giải cấp quốc gia nhiều nhất với 137 giải thưởng, cũng là địa phương có số dự án dự thi cấp quốc tế nhiều nhất với 11 dự án.
Đứng thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh có 97 giải thưởng. Các địa phương ở vùng khó khăn nhưng tham gia tích cực và có nhiều dự án đoạt giải là Lào Cai 34 giải, Khánh Hòa 27 giải, Lạng Sơn 24 giải, Kon Tum 20 giải…
Bộ GD&ĐT đánh giá, việc kiên trì triển khai cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong ngành Giáo dục đã giúp học sinh làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng học tập. Đây cũng là cơ hội để học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào thực hiện các ý tưởng khoa học.
Được biết, trung tuần tháng 11/2023, Bộ GD&ĐT có dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT để lấy ý kiến. Tại dự thảo, cuộc thi không tính giải nhất, nhì, ba, tư như hiện nay, mà xếp giải theo ba mức huy chương vàng, bạc, đồng.
Tỷ lệ đạt giải cuộc thi cũng thay đổi. Số dự án giành huy chương vàng chiếm tối đa 10% trong tổng dự án, gấp đôi mức 5% của giải nhất theo quy định hiện hành. Tương tự, tỷ lệ dự án giành huy chương bạc tăng từ 10 lên 20%, huy chương đồng từ 15 lên 40%. Tổng tỷ lệ giải tăng từ 50 lên 70%.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi tiêu chí đánh giá dự án. Tổng điểm vẫn là 100, nhưng điểm của phần thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu giảm từ 20 xuống 15. Phần chênh lệch được bù sang tiêu chí sáng tạo, tăng từ 20 lên 25 điểm. Những tiêu chí còn lại không thay đổi số điểm.
Bộ yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Các dự án cũng cần đảm bảo tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của học sinh.