Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký, ban hành văn bản về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.
Trong văn bản, Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai thực hiện một số giải pháp để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố.
Hà Nội yêu cầu xem xét tăng thu nhập để giảm tình trạng công, viên chức, người lao động xin nghỉ việc (Ảnh: Nguyễn Trường).
Trong 9 nhóm giải pháp trọng tâm, UBND thành phố yêu cầu quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở. Ngoài ra, các cơ quan cần phải cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Văn bản cũng đề cập tới việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc.
Đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Công tác cán bộ phải khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc; quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nâng mức thu nhập bình quân đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị thành phố; xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên, thực hiện thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Theo số liệu được Bộ Nội vụ tổng hợp trong 2,5 năm (từ năm 2020 đến 6/2022), cả nước có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (chưa tính người lao động). Như vậy, bình quân mỗi năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc.
Trong 39.552 nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người…
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, có nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, công viên chức nghỉ việc, trong đó nguyên nhân chủ quan một phần do chế độ chính sách tiền lương còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống. Ngoài ra, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, chưa tạo cơ hội để cán bộ, công viên chức phát huy tốt năng lực.
Về lý do cá nhân, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, nhiều người muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp…
theo VTV