Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa qua đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và thành phố Hà Nội cho điều chỉnh, bổ sung 34 tuyến đường đối ngoại, đường đô thị và 5 cầu vượt sông Hồng, sông Đà.
Theo vị trí địa lý và địa hình, trong 22 dự án trên, có 5 dự án phải xây cầu qua các sông lớn như sông Hồng, sông Đà. Ông Nguyễn Trường Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GTVT Hà Nội), cho biết, theo quy hoạch lâu nay, Hà Nội có 18 dự án cầu vượt sông Hồng, hiện đã xây được 9 cầu. Tuy nhiên, với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng và 1 cầu qua sông Đà để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận.
Cầu Nhật Tân - một trong 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong
Việc hình thành các cây cầu bắc qua sông không những tạo thuận lợi về kinh tế mà còn góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô, thể hiện tầm nhìn hướng tới tương lai.
Có 4 cầu vượt qua sông Hồng được xác định không gian và vị trí. Cụ thể gồm:
+ Cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường tây bắc - quốc lộ 5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
+ Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội - Hưng Yên.
+ Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối Tả, Hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8.
+ Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh. Ngoài ra, cần bổ sung một cầu qua sông Đà (cầu Tu Vũ) để kết nối Hà Nội với tỉnh Phú Thọ.
Với kế hoạch thực hiện 5 cầu này, ông Thành cho biết, phương án xây cầu sẽ được đưa ra sau khi Thủ tướng thông qua chủ trương Quy hoạch GTVT Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung. Về nguồn vốn đầu tư, do ngân sách nhà nước có hạn nên để đầu tư các cầu này, hình thức đầu tư PPP trong đó có hợp đồng BOT sẽ được tính đến.