Giáo dục kỹ năng thoát hiểm cho học sinh khi có cháy nổ xảy ra - một kỹ năng vô cùng quan trọng và hữu ích.
Cuộc sống không ngừng biến đổi và bên cạnh cơ hội, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngoài việc không ngừng học hỏi để tích lũy kiến thức cho bản thân thì con người cần có kỹ năng sống tốt để tồn tại, để chung sống và để ứng phó linh hoạt với những tình huống. Kỹ năng sống không phải do bẩm sinh di truyền mà được hình thành và phát triển qua quá trình sống, học tập, lao động trải nghiệm.
Công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong học đường hiện nay và thời gian tới đối với ngành Giáo dục là một nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; những kỹ năng mềm đã góp phần hình thành nên những con người có ích cho cộng đồng và nếu điều đó được rèn luyện cho các em học sinh ngay tại trên ghế nhà trường sẽ giúp cho các em có được những kỹ năng sống cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay.
Vai trò của giáo dục kỹ năng sống
Giáo dục kỹ năng sống trang bị cho học sinh kiến thức, thái độ và kỹ năng phù hợp, từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống; tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày.
Kỹ năng sống giữ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho mỗi con người nói chung và cho các em học sinh nói riêng, vì khoa học giáo dục ngày nay đã khẳng định mỗi cá nhân muốn tồn tại và phát triển trong xã hội thì phải học, học không chỉ để biết (Learn to Know), để hành( Learn to Do) mà còn để tự khẳng định (Learn to Be) và đặc biệt - học để cùng chung sống (Learn to Live together).
4 trụ cột của giáo dục thế kỷ 21 theo UNESCO
Ý nghĩa của giáo dục kỹ năng sống
Xã hội hiện đại có sự thay đổi toàn diện về nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa... và lối sống với tốc độ nhanh đã làm nảy sinh những vấn đề mà trước đây con người chưa gặp, chưa trải nghiệm, chưa phải ứng phó, đương đầu. Hoặc có những vấn đề đã xuất hiện trước đây, nhưng nó chưa phức tạp, khó khăn và đầy thách thức trong xã hội hiện đại, nên con người dễ hành động theo cảm tính và không tránh khỏi rủi ro, nguy cơ, thách thức trong cuộc sống. Khi đó, kỹ năng sống chính là hành trang giúp con người chuyển những điều đã biết đến để thay đổi hành vi, nhờ đó mà đạt được lối sống lành mạnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống, kỹ năng sống là một phần quan trọng trong nhân cách con người trong xã hội hiện đại.
Cậu bé Nguyễn Ngô Hiền Minh, (10 tuổi) người thoát khỏi vụ cháy chung cư phố Khương Hạ (12/9/2023) an toàn nhờ kỹ năng sống được học ở trường. Ảnh: VOV
Kỹ năng sống góp phần thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội, ngăn ngừa các vấn đề xã hội, sức khỏe và bảo vệ quyền con người. Các cá nhân thiếu kỹ năng sống là một nguyên nhân làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Người có kỹ năng sống sẽ thực hiện những hành vi mang tính xã hội tích cực, góp phần xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và do vậy giảm bớt tệ nạn xã hội làm cho xã hội lành mạnh.
Kỹ năng sống là những kỹ năng mang tính cá nhân và xã hội cần thiết đối với thanh thiếu niên giúp họ có khả năng học tập tốt hơn, ứng xử một cách tự tin đồng thời là một phương sách để hoàn thiện bản thân mình trước mọi người. Đồng thời, kỹ năng sống cũng giúp biến kiến thức thành những hành động cụ thể, những thói quen lành mạnh. Những người có kỹ năng sống là những người biết làm cho mình và những người khác được hạnh phúc. Họ thường thành công hơn trong cuộc sống, luôn yêu đời và làm chủ cuộc sống của họ.
Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhằm thực hiện mục tiêu sau: Chuyển dịch kiến thức (cái chúng ta biết), thái độ và giá trị (cái chúng ta nghĩ, cảm thấy hoặc tin tưởng) thành thao tác, hành động và thực hiện thuần thục các thao tác, hành động đó như khả năng thực tế (cái cần làm và cách thức làm nó) theo xu hướng tích cực và mang tính chất xây dựng. Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tập trung vào các kỹ năng tâm lý - xã hội là những kỹ năng được vận dụng để tương tác với người khác và giải quyết có hiệu quả các vấn đề của cuộc sống. Việc hình thành các kỹ năng sống luôn gắn kết với việc hình thành các kỹ năng học tập và được vận dụng phù hợp với lứa tuổi, điều kiện sống,..
Có thể kể đến các kỹ năng quan trọng cần rèn luyện cho học sinh: Kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng thể hiện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe tích cực, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng quản lý thời gian…
Những nguyên tắc tiến hành giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
• Tương tác: Kỹ năng sống không thể được hình thành chỉ qua việc nghe giảng và tự đọc tài liệu mà phải thông qua các hoạt động tương tác với người khác. Việc nghe giảng và tự đọc tài liệu chỉ giúp cho học sinh thay đổi nhận thức về một vấn đề nào đó. Nhiều kỹ năng sống được hình thành trong quá trình học sinh tương tác với bạn cùng học và những người xung quanh thông qua hoạt động học tập và các hoạt động xã hội trong nhà trường. Trong khi tham gia hoạt động có tính tương tác, học sinh có dịp thể hiện ý tưởng của mình, xem xét ý tưởng của người khác, được đánh giá và xem xét lại những kinh nghiệm sống của mình trước đây theo một cách nhìn nhận khác. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động có tính tương tác cao trong nhà trường tạo cơ hội quan trọng để giáo dục kỹ năng sống hiệu quả.
• Trải nghiệm: Kỹ năng sống chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế. Học sinh chỉ có kỹ năng khi các em tự làm việc đó, chứ không chỉ nói về việc đó. Kinh nghiệm có được khi học sinh được hành động trong các tình huống đa dạng giúp các em dễ dàng sử dụng và điều chỉnh các kỹ năng phù hợp với điều kiện thực tế. Giáo viên cần thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động trong và ngoài giờ học sao cho học sinh có cơ hội thể hiện ý tưởng cá nhân, tự trải nghiệm và biết phân tích kinh nghiệm sống của mình và người khác.
Hoạt động ngoại khoá về Kỹ năng an toàn cho học sinh được triển khai tại một trường Tiểu học ở Quảng Ninh.
• Tiến trình: Giáo dục kỹ năng sống không thể hình thành trong "ngày một, ngày hai" mà đòi hỏi phải có cả quá trình: nhận thức – hình thành thái độ – thay đổi hành Đây là một quá trình mà mỗi yếu tố có thể là khởi đầu của một chu trình mới. Do đó, nhà giáo dục có thể có tác động lên bất kỳ mắt xích nào trong chu trình trên: thay đổi thái độ dẫn đến mong muốn thay đổi nhận thức và hành vi hoặc hành vi thay đổi tạo nên sự thay đổi nhận thức và thái độ.
• Thay đổi hành vi: Mục đích cao nhất của giáo dục kỹ năng sống là giúp người học thay đổi hành vi theo hướng tích cực. Giáo dục kỹ năng sống thúc đẩy người học thay đổi hay định hướng lại các giá trị, thái độ hành động của mình. Thay đổi hành vi thái độ và giá trị ở từng con người là một quá trình khó khăn, không đồng thời. Có thời điểm người học lại quay trở lại những thái độ, hành vi hoặc giá trị trước. Do đó, giáo viên cần kiên trì chờ đợi và tổ chức các hoạt động liên tục để học sinh duy trì hành vi mới và có thói quen mới; tạo động lực cho học sinh điều chỉnh hoặc thay đổi giá trị, thái độ và những hành vi trước đây, thích nghi hoặc chấp nhận các giá trị, thái độ và hành vi mới.
• Thời gian – môi trường giáo dục: Giáo dục kỹ năng sống cần thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và thực hiện càng sớm càng tốt đối với trẻ em. Môi trường giáo dục được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho học sinh áp dụng kiến thức và kỹ năng vào các tình huống "thực" trong cuộc sống. Giáo dục kỹ năng sống được thực hiện trong gia đình, trong nhà trường và cộng đồng. Người tổ chức giáo dục kỹ năng sống có thể là bố mẹ, là thầy cô, là bạn cùng học hay các thành viên cộng đồng. Trong nhà trường phổ thông, giáo dục kỹ năng sống được thực hiện trên các giờ học, trong các hoạt động lao động, hoạt động đoàn thể – xã hội, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động khác.
Quá trình rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một quá trình suốt đời. Do đó, điều quan trọng là chúng ta nên bắt đầu quá trình này càng sớm càng tốt. Nếu bạn không dạy con những kỹ năng sống nhất định, chúng sẽ phải học một cách khó khăn khi trưởng thành. Điều này sẽ khiến các em mất nhiều thời gian, tiền bạc và thậm chí có thể mất cả công việc . Vai trò của những người làm giáo dục cần giúp cho học sinh phải hiểu rằng không chỉ việc học mới mang lại cho họ thành công mà họ còn phải phát triển các kỹ năng của mình.