Sức khỏe tâm thần là điều thường ít được nghĩ tới đối với trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Nhưng theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và cả số liệu khảo sát trên 1.700 học sinh THCS tại Hà Nội, các kết quả khá tương đồng khi có tới gần 1/4 trẻ vị thành niên có những biểu hiện rối loạn tâm thần. Tỷ lệ này khiến nhiều người phải giật mình.
Một nam sinh lớp 9 luôn trong tình trạng đau đầu, mất ngủ kéo dài gần nửa năm nhưng chỉ đến lúc có sự thay đổi về tính cách, mẹ của nam sinh mới đưa con đến viện khám rồi ngỡ ngàng khi biết con mình đã bị trầm cảm. Không nghĩ con mình mắc bệnh có lẽ là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh. Có thể họ có nghe về những áp lực mang tên học hành nhưng vẫn không thể ngờ rằng ở lứa tuổi chỉ ăn với học, áp lực sao lại nhiều được đến thế.
Ở tuổi vị thành niên, các em có những biến đổi mạnh và sinh lý kéo theo với đó là tâm lý. Dù chưa có những con số thống kê cụ thể nhưng tại các bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân đến khám với những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học đường chỉ trong tháng đầu tiên của năm học mới đã tăng từ 15 - 20%.
Bác sĩ Phạm Văn Dương - Khoa khám bệnh, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - cho biết: "Các triệu chứng phổ biến ở các bạn trẻ thường hơi khác người lớn một chút, đa số các bạn hay cáu gắt, dễ nổi giận và có hành vi thù địch, nhạy cảm hơn".
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó trưởng phòng Tâm lý Lâm sàng, Viện sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - nói: "Ở lứa tuổi này, nhận thức của bạn ý đã có nhưng lại chưa hoàn thiện. Đó cũng là một trở ngại. Trẻ chỉ đến bệnh viện trong thời gian cấp tính, sau đó phải quay trở lại cuộc sống. Trẻ vừa tiếp tục điều trị vừa học tập và khi học lại tiếp tục gặp áp lực".
Ai cũng mong con mình lớn lên khỏe mạnh và vui vẻ nhưng đến khi trẻ đi học, sự vui vẻ này có thể mất đi vì những thứ áp lực mang tên học tập. Nếu để trẻ một mình bơ vơ giữa những áp lực ấy, bi kịch hoàn toàn có thể xảy ra.
theo VTV