Đây cũng là thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, chuỗi hoạt động đưa cải lương, tuồng cổ vào trường học đã tạo được hứng thú cho các em học sinh.
Buổi học hướng nghiệp kết hợp giáo dục địa phương của Trường THPT Gia Định tuần này là 3 tiết ngoại khóa tìm hiểu về cải lương, tuồng cổ.
Những giây phút buồn ngủ dai dẳng buổi sáng sớm dần được thay thế bằng sự hào hứng, thích thú khi 1 học sinh bất ngờ xung phong lên sân khấu biểu diễn.
Các nghệ sĩ của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long biểu diễn trích đoạn "Khói lửa biên thùy" tại Trường THPT Gia Định. Ảnh: NDO
Chỉ vỏn vẹn vài chục phút tập luyện với nghệ sĩ sau sân khấu, tuy không mang lại 1 màn diễn hoàn hảo cho Phong nhưng bù lại là sự cổ vũ nhiệt tình của thầy cô bạn bè và hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này.
Đoàn tuồng cổ cải lương Hồ Quảng Huỳnh Long mang đến sân khấu các trường THPT trên địa bàn thành phố các trích đoạn về nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, trích đoạn "Khói lửa biên thùy"... Các nghệ sĩ hóa thân trong các bộ trang phục cầu kỳ bắt mắt, khiến học sinh càng thêm phần tò mò.
Một trong những nhiệm vụ của giáo dục là giúp bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc và phát huy nó, tuồng cổ là nghệ thuật rất có ý nghĩa. Bên cạnh tuồng cổ, nhà trường cũng hướng các em về các loại hình nghệ thuật khác của dân tộc.
Trong thời gian tới, đoàn tuồng cổ cải lương sẽ còn tiếp tục biểu diễn tại các trường khác trên địa bàn thành phố. Cải lương Hồ Quảng là nghệ thuật đặc thù kén người xem. Vì thế, việc mang bộ môn này đến với các bạn trẻ, tìm được vị trí trong xã hội hiện đại sẽ là bước tiến quan trọng để bảo tồn và phát huy bộ môn này.