Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị khép lại hành trình tại Asian Cup 2023 với trận đấu còn lại không mang nhiều giá trị trước đội tuyển Iraq. Giờ là lúc ban huấn luyện cần có những đánh giá và khắc phục những điểm yếu của các học trò. Một trong số đó là thể lực.
"… Thể lực của đội tuyển Việt Nam chỉ có thể kéo dài ở cường độ cao khoảng 60-70 phút và không duy trì được đến hết trận. Lối chơi của tôi yêu cầu cường độ cao nên khi không có bóng, các cầu thủ cũng phải di chuyển. Do đó, mỗi trận, cầu thủ phải chạy từ 8km đến 10km …"
Đó là những chia sẻ của huấn luyện viên Troussier sau thất bại trước đội tuyển Indonesia, trong đó nhà cầm quân người Pháp đặc biệt nhấn mạnh điểm yếu thể lực.
Quả thực, xuyên suốt giai đoạn chuẩn bị cho tới khi bước vào giải đấu chính thức, thể lực vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải của đội tuyển Việt Nam. Để chứng minh thì đây là thống kê về số lần thay người trong bốn trận đấu trận đấu chính thức gần nhất của đội tuyển Việt Nam. Ngoại trừ trận gặp đội tuyển Nhật Bản, ba cuộc so tài còn lại, huấn luyện viên Troussier đều sử dụng hết năm quyền thay người.
Có thể thấy, hầu hết nhân tố được rút ra đều nằm trên hàng công và trong khoảng thời gian đầu hiệp hai tới phút 75. Bên cạnh chiến thuật hoặc chấn thương, việc các cầu thủ hụt hơi, thua thiệt trong các pha tranh chấp tay đôi cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới những thay đổi nhân sự. Đây là hệ quả khó tránh, trong bối cảnh huấn luyện viên Troussier đang cố gắng xây dựng lối chơi áp đặt, vốn đòi hỏi cường độ di chuyển liên tục.
Sau vòng chung kết Asian Cup, đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục hướng tới vòng loại World Cup 2026. Hi vọng một kế hoạch nâng cao thể lực kĩ lưỡng và đồng bộ, ở cả cấp độ đội tuyển lẫn câu lạc bộ sẽ được triển khai, bởi nếu các quyết định thay người đều hướng về lý do thể lực thay vì chiến thuật, thật khó để nghĩ đến điều gì xa hơn.