Đột quỵ là căn bệnh xếp thứ hai trong các nguyên nhân gây tử vong, chỉ đứng sau tim mạch. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Đáng báo động hơn, đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Chưa hết bàng hoàng bởi mới chỉ 30 tuổi, bệnh nhân đã bị đột quỵ dù trước đó, sức khoẻ của chị hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân cho biết: "Chẳng bao giờ nghĩ đâu mình bị đột quỵ vì mình còn ít tuổi. Hay thức đêm, hay bị đau đầu nhưng mình nghĩ thức khuya bị thế chứ không nghĩ là bị đột quỵ''.
Dù đã từng mắc đột quỵ nhưng một bệnh nhân nam 40 tuổi vừa tái mắc lần 2, điều đáng nói, người nhà bệnh nhân lại chủ quan không đưa đến viện ngay mà ở nhà tự sơ cứu sai cách. ''Tìm hiểu trên mạng cách sơ cứu người bị tai biến, châm vào các đầu ngón tay rồi nặn máu ra mới cho đi viện", người nhà bệnh nhân cho hay.
Theo bác sĩ Trần Đăng Huân, Đơn nguyên Đột quỵ, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: "Châm cứu hay xoa bóp gần như không có tác dụng gì, quan trọng là khi có những triệu chứng cần đến ngay các bệnh viện để đánh giá. Dù chỉ là tê bì nhẹ hoặc có yếu liệt nên đến bệnh viện sớm nhất trong 3 tiếng đầu tiên, là giờ vàng đột quỵ''.
Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ đều tăng từ 20-25%, tăng gấp đôi so với những năm trước. 76% người bệnh nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như ngay từ bây giờ chúng ta có ý thức bảo vệ sức khoẻ và xây dựng một lối sống lành mạnh.