Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, theo Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947 quy định thời gian làm việc của công nhân không quá 48 giờ/tuần. Sắc lệnh cũng quy định, thời gian làm thêm không quá 100 giờ/năm.
Theo ông Nghĩa, sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.
Theo đại biểu, người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)
Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).
"Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.
Thu nhập không được bảo đảm dẫn đến tham nhũng vặt, gây sách nhiễu
Trước đó vào sáng nay, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, Nghị quyết Trung ương 8 đã quyết định chủ trương về cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là điều mong mỏi nhất đối với đội ngũ công chức, viên chức.
Ông Tạo nhận định, từ kinh nghiệm trước đây có thể thấy, những tiêu cực xã hội có nguyên nhân rất lớn là thu nhập không bảo đảm dẫn đến những hành vi không chuẩn mực như tham nhũng vặt hay gây sách nhiễu để đạt được mục đích gì đó. Khi tiến hành xử lý kỷ luật đã phát hiện một nguyên nhân lớn và hết sức quan trọng, đó là liên quan đến thu nhập.
"Một sinh viên ra trường với thời gian học tập 6-7 năm của ngành y hay hơn 4 năm với một cử nhân các ngành bình thường ra, nhưng lương chỉ 3 - 3,5 triệu đồng. Lương như vậy thì làm sao để sống tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh", đại biểu Nguyễn Tạo nói và cho hay, đây là một trăn trở và cải cách tiền lương lần này sẽ xác định đề án vị trí việc làm.
"Tuyển vào công việc gì, vị trí nào thì được hưởng lương mức nào. Đặc biệt, lương chính, lương cứng sẽ phải đảm bảo được 70% và 30% là chi cho những nhiệm vụ khác.
Lương, mức độ thưởng, mức độ phân công công việc đảm bảo công bằng. Trong đó, có 10% chi thưởng để ai làm tốt sẽ được thưởng. Từ đó tạo ra sự công bằng trong thu nhập của những lao động cùng nhóm", ông Tạo nói.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, cải cách tiền lương sẽ là một luồng chính sách tạo dựng sự an tâm rất lớn cho các cán bộ, công chức hiện nay.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện nay, chúng ta đã có nguồn lực chuẩn bị cho cải cách tiền lương, khoảng 560.000 tỉ đồng cho lộ trình từ nay đến năm 2026. Theo đó, khi áp dụng cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, chúng ta đã có nguồn lực và sự chuẩn bị để triển khai đồng bộ. Từ đó, tạo một hiệu ứng lớn cho xã hội.
Cũng theo ông Tạo, cùng với cải cách tiền lương, bộ máy Nhà nước sẽ tính đến việc tinh giản biên chế sao cho gọn nhẹ và phát huy từng cá nhân một. Từ đó, bảo đảm vị trí việc làm, đúng người đúng việc, đúng hưởng thụ. Để thực hiện phải có sự chuẩn bị kỹ, phải tiến hành rà soát lại lực lượng lao động, để sắp xếp lại vị trí việc làm, ai ở vị trí nào sẽ được hưởng mức lương đó.
"Điều này tạo một sân chơi rất công bằng. Từ đó, sẽ thu hút được một lực lượng lao động có trí tuệ và lực lượng lao động trẻ sẽ tham gia vào guồng máy của các đơn vị công lập, cũng như các đơn vị quản lý Nhà nước hiện này", ông Tạo nêu.