Ảnh minh họa.
Sửa đổi liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1/2025.
Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông…
Ngoài ra, Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 như sau: "2. Người tham gia xây dựng dự thảo chương trình, dự thảo chương trình chỉnh sửa nào thì không được tham gia thẩm định chương trình đó".
Bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau: "3. Trường hợp đặc biệt không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định".
Sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 9 như sau: "c) Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng thẩm định; trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về dự thảo chương trình trong các cuộc họp của Hội đồng thẩm định; viết đánh giá, nhận xét về dự thảo chương trình theo các mẫu của Hội đồng thẩm định.
Trường hợp không tham gia cuộc họp của Hội đồng thẩm định thì phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định và gửi ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản đựng trong phong bì được niêm phong hoặc gửi qua thư điện tử cho người chủ trì trước thời điểm tổ chức cuộc họp"…
Ban hành Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 18/2024/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/1/2025 và thay thế Thông tư số 26/2010/QĐ-BGD&ĐT ngày 27/10/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ bao gồm: Phần thứ nhất. Những vấn đề chung và Phần thứ hai. Chương trình Giáo dục cụ thể theo các lĩnh vực như sau:
Chương trình Giáo dục pháp luật; Chương trình Giáo dục văn hóa - xã hội; Chương trình Giáo dục bảo vệ môi trường; Chương trình Giáo dục bảo vệ sức khỏe; Chương trình Giáo dục phát triển kinh tế; Chương trình Giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý; Chương trình Giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp; Chương trình Giáo dục chuyển đổi số trong cộng đồng.
Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ ban hành theo Thông tư này dùng cho các cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập.
Quy định danh mục và thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực GD&ĐT
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 19/2024/TT-BGDĐT quy định danh mục và thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực GD&ĐT tại chính quyền địa phương. Thông tư này có hiệu lực từ 14/1/2025. Thông tư này không áp dụng đối với giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo phải định kỳ chuyển đổi gồm:
Tuyển sinh, đào tạo thuộc các trường công lập.
Phân bổ chỉ tiêu, quản lý tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; phân bổ chỉ tiêu đào tạo sau đại học và chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.
Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, tài liệu, giáo trình, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
Thẩm định hồ sơ thành lập, cho phép hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý.
Quản lý các đề án, dự án thuộc lĩnh vực GD&ĐT.
Phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực GD&ĐT.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc lĩnh vực GD&ĐT quy định tại Điều 2 của Thông tư này là từ đủ 3 năm đến 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đối với đối tượng thuộc diện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này đã được chuyển đổi theo quy định tại Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, tính thời gian giữ vị trí công tác để rà soát định kỳ chuyển đổi theo thời hạn quy định tại Thông tư này.
Đối với các vụ, cục, Văn phòng, Thanh tra, các đơn vị do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT (bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học) tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã ban hành cho đến khi có Quy định cụ thể của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Sửa đổi quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia
Ngày 10/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 25/1/2025.
Cụ thể, Thông tư mới đã sửa đổi, bổ sung về bộ tiêu chuẩn đánh giá để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quy định về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo phân cấp tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ Chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho Giám đốc Sở GD&ĐT và một số nội dung quy định khác.
Về tiêu chuẩn đánh giá, Thông tư mới giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây để nếu nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm (quy định trước đây là 2 năm) kể từ ngày được công nhận được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn. Quy định này tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng.
Về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, Thông tư đã đưa ra quy định nhà trường phải đảm bảo theo quy định chung của Chính phủ và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Với quy định này, Hiệu trưởng nhà trường sẽ chủ động đưa vào kế hoạch hằng năm việc phân công giáo viên tham dự các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điểm mới đáng chú ý ở Thông tư số 22/2024/TT-BGD&ĐT là sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đánh giá cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học (Tiêu chuẩn 3) để thống nhất với quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thư viện của cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định cụ thể tiêu chuẩn đánh giá đối với trường phổ thông có nhiều cấp học. Quy định này nhằm đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, mang lại quyền lợi cho học sinh.
Với quy định ở Tiêu chuẩn 3, các nhà trường sẽ phải làm tốt công tác tham mưu để có được sự quan tâm, vào cuộc của địa phương trong đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
Thông tư mới cũng bổ sung những quy định mới theo hướng thực hiện phân cấp mạnh từ cấp Bộ GD&ĐT đến UBND cấp tỉnh cho Sở GD&ĐT.
Cụ thể, việc thành lập đoàn đánh giá ngoài và thẩm quyền cấp và thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học theo phân cấp tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Giám đốc Sở GD&ĐT ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Trước đây, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Giao nhiệm vụ tập huấn đánh giá ngoài cho Sở GD&ĐT để các Sở GD&ĐT chủ động, đáp ứng nhu cầu trong thực hiện kế hoạch đánh giá ngoài của địa phương. Ngoài ra, Thông tư số 22/2024/TT-BGD&ĐT cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá ở các cấp cho phù hợp với thực tiễn.
Một điểm mới nữa của Thông tư số 22/2024/TT-BGD&ĐT là đã đưa vào quy định nhà trường được sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường đáp ứng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư.
Sửa đổi quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, phổ thông
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/1/2025.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Cụ thể, về quy mô và diện tích trường mầm non, Thông tư quy định trường mầm non tối đa 30 nhóm/lớp, tăng 10 nhóm/lớp so với hiện nay. Với bậc tiểu học, mỗi trường có quy mô tối đa 40 lớp, tăng thêm 10 lớp so với quy định hiện hành. Ở bậc trung học phổ thông, số lớp tối đa là 50, tăng thêm năm lớp.
Căn cứ điều kiện các địa phương, các điểm trường có thể được bố trí ở những địa bàn khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường và bố trí không quá năm điểm trường. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 8 điểm trường, trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bố trí không quá 12 điểm trường.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh giảm quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh ở khu vực đô thị loại III trở lên, chỉ còn 6-8m2 (tùy từng cấp học), thay vì 8-10m2 như quy định hiện hành.
Đáng chú ý, tại Thông tư số 23, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định về độ cao của trường học các cấp. Ở cấp tiểu học, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá năm tầng, tăng thêm hai tầng so với quy định cũ. Ở cấp THCS và THPT, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học cao không quá năm tầng, tăng thêm một tầng so với quy định cũ.
Ngoài ra, quy định mới cũng điều chỉnh linh hoạt theo hướng cho phép trường học ghép các phòng bộ môn (phòng Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Hóa học...) thay vì quy định tối thiểu mỗi bộ môn phải có tối thiểu một phòng như hiện nay.
Đơn cử, về phòng bộ môn của trường tiểu học, quy định mới yêu cầu có tối thiểu ba phòng học bộ môn theo quy định của Bộ GD&ĐT ban hành để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học, Công nghệ, Tự nhiên và Xã hội, Tin học, Ngoại ngữ.
Căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc bảo đảm đủ chức năng của các phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm kế hoạch, định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
Sửa đổi quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/1/2025.
Theo đó, những sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy trình xử lý hồ sơ đi học nước ngoài, cụ thể:
Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo các chương trình học bổng ngân sách nhà nước, Cục Hợp tác quốc tế gửi văn bản thông báo kết quả tiếp nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài, thông tin về quy định, chế độ học bổng đến ứng viên, cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên và ra quyết định cử đi học khi có văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử ứng viên đi học nước ngoài.
Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng do phía nước ngoài đài thọ, Cục Hợp tác quốc tế gửi văn bản thông báo kết quả trúng tuyển đến ứng viên và cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên để giải quyết thủ tục đi học nước ngoài.
Đối với ứng viên chưa có cơ quan công tác, Cục Hợp tác quốc tế ra quyết định cử đi học nước ngoài.
Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ GD&ĐT
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 15/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ GD&ĐT.
Thông tư này quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ (thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GD&ĐT bao gồm: các quy định chung, công tác xác định, tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, nghiệm thu, thanh lý và công tác lưu giữ, chuyển giao, sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ.
Đề tài cấp bộ được thực hiện để giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Kết quả của đề tài cấp bộ phải đáp ứng tối thiểu hai yêu cầu sau:
Có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; hoặc các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước; hoặc được xuất bản thành sách hoặc chương sách chuyên khảo, sách tham khảo;
Có kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc hỗ trợ đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc có kết quả là luận cứ khoa học, giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc có kết quả nghiên cứu là tài sản trí tuệ, sản phẩm ứng dụng khác.
Đề tài cấp bộ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp.
Mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện, bao gồm 1 chủ nhiệm, 1 thư ký khoa học và các thành viên theo chức danh: thành viên chính, thành viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ.
Thời gian thực hiện đề tài cấp bộ không quá 24 tháng (chưa tính thời gian gia hạn thực hiện đề tài nếu có). Trường hợp đặc biệt, Bộ GD&ĐT quyết định thời gian thực hiện đề tài trên 24 tháng.
Nguồn kinh phí thực hiện đề tài cấp bộ: Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ GD&ĐT; kinh phí hợp pháp khác.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/1/2025 và thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016 quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ GD&ĐT.
Các đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ đã được phê duyệt thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016 thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 11/2016/TT-BGDĐT đến khi kết thúc. Các đề tài được phê duyệt để thực hiện từ năm 2026 thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.