Sáng 20/7, hội nghị “Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đã chia sẻ những điển hình về phòng chống nạn bắt nạt trên mạng, cùng các hướng tiếp cận sáng tạo, đa ngành để nâng cao nhận thức cho xã hội về vấn đề ngày càng nóng trên toàn cầu này.
Đại sứ Israel Yaron Mayer nhận định, “vấn đề này có những hệ quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và thể chất đối với nạn nhân, và đã đến lúc chúng ta cùng nhau hành động và chống lại vấn nạn bắt nạt trực tuyến”.
Tại hội nghị, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế từ UNICEF, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổ chức Child Fund Vietnam đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình bắt nạt trên mạng, bao gồm tác động đối với trẻ em, thực trạng tại Việt Nam và các chính sách, pháp luật liên quan, và các giải pháp chung phòng chống bắt nạt mạng.
Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2020 cho thấy cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. 21% những người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.
Hiện Việt Nam cũng đã có các quy định pháp luật liên quan đến bắt nạt trên mạng, trong đó có Luật An ninh mạng (2018), Luật Trẻ em (2016), quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia bảo vệ trẻ em, văn phòng đại diện UNICEF tại Hà Nội, đưa ra một số kiến nghị về phòng chống bắt nạt trên mạng, bao gồm: Trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn; truyền thông/giáo dục về ứng xử văn minh, sự tử tế và không dung thứ với bạo lực; áp dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy vai trò/trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; củng cố khung luật pháp chính sách phòng, chống bắt nạt/bắt nạt trên mạng; tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em.
Chuyên gia Israel Doron Herman, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytics, chia sẻ về các biện pháp và mô hình mà Israel đang áp dụng để chống bắt nạt trên mạng, trong đó có một nghị quyết đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua. Israel cũng thành lập cơ quan liên bộ, vận hành đường dây nóng 105 để tiếp nhận câu hỏi và báo cáo từ người dân về hành vi bắt nạt mạng.
Ông Herman cũng chia sẻ về việc đưa nội dung giảng dạy nhằm hỗ trợ nhà trường giáo dục trẻ em về năng lực cảm xúc xã hội, cũng như an toàn trên mạng. Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ - một thế mạnh của Israel - cũng được áp dụng, như ứng dụng điện thoại Keeps Child Safety sử dụng AI để nhận diện tin nhắn có nội dung bắt nạt trong điện thoại của trẻ và báo cho cha mẹ trong vòng 20 phút.
theo VTC