Cấp phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội, game online đều giảm
Để đánh giá tình hình hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử trong năm 2022 và có định hướng cho thời gian tới, ngày 22/12, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị với sự tham dự của nhiều đối tượng gồm các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến cùng các Sở TT&TT.
Chia sẻ ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận xét, đây là lĩnh vực cái tốt và chưa tốt đan xen nhau. Người dùng, người xem hiện nay khi lên mạng khá vất vả trong việc sàng lọc, phân biệt đâu là báo, đâu là trang tin điện tử, đâu là những nguồn tin chính thống, đâu là những nguồn tin phải cảnh giác.
Bên cạnh đó, còn có sự tham gia mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, mà từ trước đến giờ bị coi là chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Những năm qua, thể chế dần được hoàn thiện để quản lý tất cả doanh nghiệp xuyên biên giới và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trong nước trên cùng một mặt bằng về quy định pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, tính đến cuối tháng 11, số lượng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động cũng như trò chơi điện tử trên mạng được cấp phép đều giảm.
Bà Thanh Huyền lý giải, năm 2022, sở dĩ số lượng cấp phép trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội giảm từ 10 - trên 30% so với năm ngoài, một phần do Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục, các Sở TT&TT siết chặt công tác cấp phép nhằm ngăn chặn tình trạng “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp.
Tuy nhiên, số lượng người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam vẫn tăng, đạt khoảng 77 triệu và có xu hướng đọc tin tức và tương tác trên mạng xã hội phổ biến hơn là đọc trên các ứng dụng chuyên cung cấp tin tức.
Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, năm 2022, Bộ TT&TT đã làm được nhiều việc có tác động tích cực trong lĩnh vực quản lý thông tin điện tử. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật rất thiết thực, đặc biệt là đưa ra được bộ tiêu chí để nhận diện báo hoá tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Chọn những thị trường ngách, mạng xã hội Việt có cơ hội phát triển
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, đại diện mạng xã hội âm thanh TATU cho rằng để phát triển được, các mạng xã hội cần tạo ra được sự khác biệt, tập trung vào những giá trị dành riêng cho người Việt. Nhận định các KOLs (những người có ảnh hưởng lớn – PV) có vai trò rất lớn trong việc lan tỏa thông tin, đại diện TATU đề xuất cơ quan quản lý có thể phối hợp với các KOLs để “phong sát” những nội dung không lành mạnh, lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng.
Về đề xuất trên, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ VHTT&DL để thực hiện. Ngoài ra, dự kiến sẽ có biện pháp khác để quản lý những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trên mạng khi họ có hành vi sai phạm, chẳng hạn như khoá kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo hay hạn chế xuất hiện trên các nền tảng...
Sang năm 2023, theo Cục PTTH&TTĐT, cùng với việc triển khai các quy định pháp luật mới, Bộ TT&TT sẽ tập trung xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet; công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” (WhiteList) và nội dung “đen” (BlackList) trên mạng của Việt Nam…
Trong kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, các vấn đề bất cập sẽ tiếp tục được bàn thảo và tháo gỡ.
Bên cạnh việc lưu ý rủi ro với mô hình kinh doanh của các trang thông tin điện tử tổng hợp trước những thay đổi quản lý cũng như xu thế phát triển của lĩnh vực, Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng đối với các mạng xã hội trong nước. Nội dung của các mạng xã hội do người dùng tạo ra và trên nền tảng đó sẽ phát sinh những giao dịch khác.
Đến nay, tại Việt Nam đã có gần 1.000 mạng xã hội trong nước. Các mạng này khi ra đời đã xác định không đọ được với những nền tảng xuyên biên giới, mà chọn đi vào các thị trường ngách, tạo ra diễn đàn cho người dùng trong nước.
“Thời gian tới sẽ là cơ hội cho những mạng xã hội thực sự biết người sử dụng của mình là ai, có tương tác trao đổi với người thật, tính chính danh trên mạng xã hội trở nên quan trọng, vì có chính danh thì giao dịch mới có giá trị. Mạng xã hội Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển, trở thành một hệ sinh thái bổ sung và thậm chí tương lai có thể thay thế những nền tảng mạng xã hội lớn khác”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.