Cụ thể, Vietcombank, một trong những ngân hàng vốn duy trì mức lãi suất thấp nhất hệ thống, đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Với hình thức gửi tại quầy, các kỳ hạn 1 - 3 tháng được ngân hàng tăng 1 điểm % lên 4,1 - 4,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8 điểm % lên 6,4%/năm và các kỳ hạn 24 tháng trở lên được điều chỉnh tăng 1 điểm %, hiện cùng ở mức 6,4%/năm.
Với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank thậm chí còn áp dụng mức lãi suất cao hơn. Kỳ hạn 1 tháng được ngân hàng áp dụng ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng áp sát mức trần cho phép là 4,9%/năm, cao hơn 1,2 - 1,3 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Kỳ hạn 6 - 9 tháng lần lượt là 5,3 - 5,4%/năm.
Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank áp dụng mức lãi suất lên tới 6,8%/năm, tăng 1 điểm % so với trước đó. Như vậy, nếu khách hàng gửi tiền online tại ngân hàng này, mức lãi suất nhận được sẽ cao hơn từ 1 - 1,3%/năm so với trước đó.
VietinBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng tăng thêm 1 điểm % lên 4,1%/năm; lãi suất từ 3 đến dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ hạn từ 12 đến trên 36 tháng, ngân hàng này nâng lãi suất thêm 0,8%/năm, lên 6,4%/năm.
Tương tự, Agribank tăng lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng lên 4,1%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng ở mức 4,4%/năm. Các mức lãi suất này vẫn thấp hơn trần quy định (5%/năm), song đã tăng khoảng 1%/năm so với trước đó. Tiền gửi không kỳ hạn cũng được nâng lên mức 0,3%/năm. Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Agribank cũng nâng mạnh lãi suất lên mức 6,4%/năm, cùng tăng 0,8%/năm.
Tại BIDV, ngân hàng cũng đã nâng lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,4%/năm - ngang với mức lãi suất tại các ngân hàng lớn trong nhóm Big 4. Ở các kỳ hạn 6 và 9 tháng, lãi suất ở mức 4,7%/năm và 4,8%/năm. Còn kỳ hạn 1 tháng, lãi suất ở mức 4,1%/năm, 3 tháng ở mức 4,4%/năm.
Do duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài, mức điều chỉnh lần này của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cao hơn so với mức điều chỉnh gần đây của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhưng lãi suất huy động các kỳ hạn vẫn thấp hơn khối ngân hàng ngân hàng thương mại tư nhân, vốn đã tăng lãi suất huy động nhiều đợt kể từ đầu năm tới nay.
Với thị phần huy động vốn chiếm tới 45% thị trường, động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm Big 4 dự kiến sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên. Dù vậy, mặt bằng lãi suất huy động hiện tại vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch (7%/năm).
Trước đó, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1%. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài 6,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm (tăng 0,3%); lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0%/năm lên 5%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm (tăng 1%).
Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã lập tức điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 0,8 - 0,9%/năm, dao động từ 4,2 - 4,9%/năm.
theo VTV