Tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể chủ yếu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực nào đó thuộc phạm vi ngành mình, địa phương mình, nhưng lại đưa tin tức thời sự, cử phóng viên điều tra trong mọi lĩnh vực, y như một tờ báo.
Ở nước ta hiện có gần 700 tạp chí, trong đó gần 1/3 số này là loại hình tạp chí điện tử. Đây là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực nào đó thuộc phạm vi ngành mình, địa phương mình. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều tạp chí điện tử hoạt động như 1 tờ báo, tổ chức sản xuất tin, phóng sự điều tra ở các lĩnh vực khác nhau, thậm chí phóng viên một số tạp chí còn nhũng nhiễu, tống tiền, hù dọa doanh nghiệp, người dân, cơ quan nhà nước. Bộ TT&TT bước đầu xác định ít nhất có hơn 30 tạp chí có dấu hiệu "báo hóa".
Nhận diện tạp chí bị "báo hóa"
Chia sẻ với VTV, 1 vị Giám đốc cho biết ông thường xuyên phải nhận điện thoại, tin nhắn hẹn gặp của nhà báo với mục đích điều tra. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhưng nhiều phóng viên đến từ các tạp chí của các hội không liên quan. Kết thúc một số cuộc gặp gỡ là đề nghị ký hợp đồng quảng cáo, từ vài chục đến hàng trăm triệu - tất nhiên, kèm theo đó là cả những lời doạ nạt.
"Tôi cảm giác như bị khủng bố. Có những tuần không ăn không ngủ được. Cứ có bài đăng lên là khách hàng, đối tác gọi điện hỏi làm sao, rồi đặt câu hỏi, rồi tin đồn..." - người này cho hay.
Theo quy định, chữ "Tạp chí" phải xuất hiện ngay trên trang chủ. Thế nhưng, nhiều tạp chí có vẻ đã quên điều này.
Nhận định về vấn đề "báo hóa" tạp chí, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: "Tình trạng 'báo hóa' tạp chí đã khá nghiêm trọng, và cũng để lại hậu quả nghiêm trọng với xã hội. Tôi cho rằng đó là vấn đề vi phạm đạo đức của người làm báo..
Số đơn thư khiếu kiện tạp chí gửi về cơ quan chức năng tăng lên trong vài năm qua. 6 tháng đầu năm nay chỉ riêng số tiền phạt các tạp chí sai phạm tại Cục báo chí tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái" - ông Lợi cho biết thêm.
"Nườm nượp" đơn thư, tố cáo phóng viên tạp chí "báo hóa"
Theo thống kê, số đơn thư, tố cáo phóng viên của các tạp chí vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức ngày càng tăng, trong tổng số đơn khiếu kiện báo chí hàng năm. Năm 2020 là 124 chiếm tỉ lệ 28,7% tổng số đơn thư. Năm 2021 là 146, chiếm tỉ lệ 43,8% tổng số đơn thư. Nhiều tạp chí đã phải nhận hình thức xử phạt nặng nhất là tạm đình bản...
Việc xử lý các đơn vị báo chí sai tôn chỉ mục đích, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật sẽ được tiếp tục. Không thể để tồn tại những đơn vị được xã hội tôn trọng, đề cao như vậy là lại có những hành vi nhũng nhiễu...
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông
Tháng10/2021, Cục trưởng Cục Báo chí đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Tri thức xanh 99,7 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 4 tháng vì nhiều sai phạm, trong đó nổi cộm là hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.
Tháng 7 năm nay, tạp chí Kinh Doanh Và Biên Mậu Việt Nam bị đình bản trong thời gian 3 tháng cùng số tiền phạt 70 triệu đồng. Sai phạm điển hình là đăng tải số lượng lớn bài viết sai tôn chỉ mục đích, quá sa đà vào phản ánh các nghi vấn tồn tại của tổ chức, doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước về báo chí.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ và các Sở TT&TT đã xử lý 84 trường hợp tạp chí vi phạm. Trong đó 3 tạp chí bị đình bản, thu hồi 3 thẻ nhà báo...
Tình trạng "báo hóa" tạp chí tại Việt Nam đang diễn biến ra sao? Đâu là giải pháp để làm trong sạch làng báo?... - Đó là những câu hỏi được nêu ra trong chương trình Vấn đề hôm nay, phát sóng ngày 5/8/2022, với sự tham gia của khách mời là bà Đỗ Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.