Trong một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều cha mẹ "mách nhau" tự mua thuốc Tamiflu về cho con uống khi không may mắc cúm. Có người hướng dẫn rằng, cha mẹ có thể ra hiệu thuốc mua que test cúm, nếu con bị mắc cúm A thì chỉ cần mua ngay thuốc Tamiflu về cho con uống, sau 1 hôm là con sẽ cắt sốt.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo Tamiflu là thuốc kháng virus vì vậy phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, liều lượng phải chuẩn theo độ tuổi. Chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.
Thuốc Tamiflu có các tác dụng phụ, không thể sử dụng tùy tiện. Ngoài ra, Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em, điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Việc người dân tự mua Tamiflu điều trị cho trẻ, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu nếu dùng không đúng liều, dễ gây kháng thuốc.
* TP Hồ Chí Minh vừa có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế để ngăn ngừa dịch cúm mùa lây lan. Tại TP hiện có 20 bệnh nhân cúm đang điều trị nội trú, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường trong công tác tiếp nhận và điều trị.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát ca bệnh, thực hiện nghiêm quy trình báo cáo dịch khẩn cấp. Khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng cúm. Năm ngoái, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận khoảng 2.900 ca cúm lâm sàng, trong đó có 11 ca nặng.
Tại Việt Nam, số ca mắc cúm đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Trong đó, các chủng virus cúm phổ biến là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi có xu hướng giảm so với tháng 12/2024 nhưng vẫn có sự gia tăng tại một số địa phương.
Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa Đông - Xuân với khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách sau:
Đẩy mạnh công tác tiêm chủng
Rà soát và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi cho các đối tượng chưa tiêm hoặc chưa đủ mũi.
Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng cường miễn dịch cộng đồng.
Khuyến khích người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm và tiêm vaccine có thành phần sởi, rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh
Theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm, sởi và các bệnh đường hô hấp cấp tính.
Giám sát nghiêm ngặt các trường hợp nghi ngờ tại bệnh viện, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp gia tăng ca bệnh.
Đẩy mạnh truyền thông và khuyến cáo phòng bệnh
Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt tại trường học, khu công nghiệp, địa điểm du lịch và nơi công cộng.
Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
Tăng cường phối hợp liên ngành
Yêu cầu các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, trung tâm thương mại và các địa điểm công cộng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Giám sát sức khỏe học sinh, người lao động và phổ biến hướng dẫn phòng bệnh cá nhân.
theo VTV.VN