Tối 27/11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng và Giải thưởng nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022.
Quả cầu vàng năm 2022 là giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức từ năm 2003.
Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các tài năng trẻ ở trong và ngoài nước đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Giải thưởng này được tổ chức nhằm tạo động lực và thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần phát triển đất nước trong 5 lĩnh vực: CNTT, Chuyển đổi số & tự động hóa, Công nghệ y dược, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường và Công nghệ Vật liệu mới.
Từ 37 hồ sơ đăng ký thuộc 5 lĩnh vực xét giải, Hội đồng Giải thưởng qua hai phiên họp thẩm định, đánh giá đã lựa chọn được 10 cá nhân xuất sắc nhất được đề cử trao Giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng năm 2022.
Mỗi cá nhân đạt Giải thưởng được nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Cúp Quả Cầu Vàng, Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng và phần thưởng tiền mặt 20 triệu đồng.
Cũng trong hôm nay, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ KH&CN đã trao Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam cho 20 nữ sinh xuất sắc.
Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam tiền thân là “Phần thưởng dành cho nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin”.
Đây là giải thưởng được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 1997 nhằm tuyên dương những nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù, góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ nữ có chất lượng tham gia phát triển đất nước.
Mỗi nữ sinh đạt Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam được tặng Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, biểu trưng Giải thưởng và phần thưởng bằng tiền mặt 5 triệu đồng.
Chia sẻ tại lễ trao giải, ông Nguyễn Minh Triết – Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, những gương mặt trẻ nhận giải thưởng hôm nay sẽ là những chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân giỏi trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
"Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt khoa học công nghệ đất nước trong tương lai để hiện thực hóa tầm nhìn 2030 và khát vọng 2045, đưa đất nước ta trở thành quốc gia phát triển phồn vinh, hạnh phúc", ông Triết nói.
10 gương mặt đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2022:
1. TS. Lương Văn Thiện, Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa với nghiên cứu về các giải pháp phân tích dữ liệu y tế về hệ miễn dịch người Việt (DAVIS - Data Analytics for Vietnamese Immune Systems).
2. TS. Lê Thanh Long, Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh với nghiên cứu về Hệ thống IoT check-in giúp nhận dạng danh tính người vào trường thông qua việc quét thẻ bằng camera.
3. TS. Lê Phạm Tuyên, Trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, phòng nghiên cứu và phát triển, công ty AgileSoDA, Hàn Quốc với các bằng sáng chế đã được đăng ký là nền tảng cho sản phẩm BakingSoDA. Sản phẩm này cung cấp giải pháp cho phép sử dụng giải thuật học tăng cường để giải quyết những bài toán thực tế của doanh nghiệp (robotics, finance, semiconductor, logistics ...).
4. TS. Trần Ngọc Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dự án và Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp nhằm giảm nhẹ và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí lên sức khỏe con người tại Việt Nam.
5. TS. Phan Lê Minh Tú, Phó Trưởng bộ môn Y học chức năng - Xét nghiệm y học, Khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng với các công trình nghiên cứu tập trung vào ứng dụng chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Xây dựng và phát triển cảm biến sinh học (CBSH) dùng cho xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi bệnh, xây dựng và phát triển liệu pháp quang nhiệt (LPQN) dùng cho điều trị bệnh.
6. TS. Chu Đức Hà, Giảng viên Khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển thiết bị đếm sâu keo mùa thu trưởng thành tự động và đưa ra cổng thông tin cung cấp số liệu cập nhật theo thời gian thực về diễn biến của sâu keo mùa thu tại các tỉnh phía Bắc.
7. TS. Trương Lâm Sơn Hải, Giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với nghiên cứu ứng dụng công nghệ Hydrate trong xử lý và thu hồi các tài nguyên từ nước biển và nước nhiễm mặn.
8. TS. Nguyễn Duy Đạt, Giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh với nghiên cứu giải pháp chỉ các điều kiện mà các chất ô nhiễm (PCNs, Dioxins và PCBs) hình thành trong hệ thống xử lý khí thải hiện hữu và tìm ra chế độ vận hành thích hợp cho việc loại bỏ và ngăn ngừa sự tạo thành các chất này.
9. TS. Lê Thị Phương, Nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với nghiên cứu Hydrogel dạng tiêm đã được sử dụng rộng rãi như một vật liệu thông minh trong tái tạo mô và dẫn truyền thuốc với các tính năng ưu việt.
10. TS Trần Thị Như Hoa, Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với nghiên cứu các giải pháp chẩn đoán sớm bệnh tim giúp cho điều trị kịp thời và hạn chế tử vong. |