Không có kinh phí khủng cùng sự hỗ trợ của các kỹ xảo hoành tráng nhưng dòng phim nghệ thuật như một dòng chảy. Ở đó, cái tôi tác giả, sự sáng tạo cùng quan điểm riêng về nghệ thuật được thể hiện rõ nét nhất. Nhìn vào nền điện ảnh Việt những năm gần đây, có thể thấy phim có giá trị nghệ thuật lớn do Nhà nước hay tư nhân đầu tư gần như vắng bóng. Thay vào đó, phim chạy theo thị hiếu số đông đang chiếm lĩnh thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, dòng phim nghệ thuật của nhiều nhà làm phim cá nhân đang đại diện cho tiếng nói của điện ảnh nước nhà trên trường quốc tế, chủ yếu dựa vào nỗ lực của những cánh én đơn lẻ.
Bất cứ nhà làm phim nào cũng từng nếm trải những gian nan từ bước lập kế hoạch, đưa dự án đi chào hàng, kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Với dòng phim nghệ thuật, bài toán kinh phí luôn là bài toàn hóc búa. Vì khó khăn về kinh tế nên đa số phim ra mắt đều là phim ngắn. Trong khi thể loại phim này khó gây chú ý và tạo dấu ấn so với phim dài. Vòng luẩn quẩn này trói chặt các nhà làm phim không thuộc Nhà nước.
Một vấn đề khác là dòng phim nghệ thuật có tính thể nghiệm cao, lối đi riêng và kén khán giả. Đây là tình trạng chung của điện ảnh thế giới bởi đa phần phim có nội dung khá nặng triết lý, nhà làm phim đẩy cao yếu tố nghệ thuật đôi khí tới mức trừu tượng, khó hiểu với phần đông khán giả nên khó hấp hấp dẫn đại chúng. Một điểm nữa cần lưu ý là một số phim quá chú trọng việc đi tham gia các Liên hoan phim quốc tế, chạy theo gu của một số liên hoan phim, bỏ qua yếu tố văn hóa, tư duy của người Việt nên nhiều trong những bộ phim ấy xa lạ, rời rạc, khiên cưỡng và không được công chúng trong nước đón nhận. Đổi mới, độc đáo, sáng tạo nhưng không quá dị biệt, bất thường, tiệm cận hơi thở thời đại, những giá trị toàn cầu và đậm chất văn hóa Việt là những vấn đề lớn với nhiều nhà làm phim đương đại.
Một tín hiệu tích cực là một số phim gần đây thuộc dòng nghệ thuật ra rạp đã tạo màu sắc mới cho điện ảnh Việt, được công chúng đón nhận, thu hút đầu tư từ các tập đoàn, nhà phát hành. Có lẽ, các nhà làm phim không nên ỷ lại, trông chờ vào kinh phí Nhà nước mà nên năng động, sáng tạo tìm "bà đỡ" cho đứa con tinh thần của mình, theo đuổi đam mê đến cùng để cho ra đời những tác phẩm điện ảnh chất lượng.
Điều chính yếu để một bộ phim tiếp cận được công chúng là cần có tài năng, tâm huyết, sự nỗ lực của người làm phim. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý đối với dòng phim này, bằng cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí. Bên cạnh đó, sự yêu thích, ủng hộ của công chúng cũng đang giúp các nhà làm phim mạnh dạn đưa tác phẩm ra rạp cùng các bom tấn, siêu phẩm khác. Trong tương lai, có khả năng phim nghệ thuật sẽ trở thành dòng chảy mạnh mẽ và người được hưởng lợi chính là khán giả.