Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề dạy và học môn Lịch sử, Nghị quyết nêu rõ yêu cầu: "Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh".
Trước đó, làm rõ trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Một số ý kiến của cử tri cho rằng môn Lịch sử là môn lựa chọn, dẫn đến việc bỏ, khai tử môn Lịch sử. Thực tế không phải như vậy".
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, môn Lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy vẫn đảm bảo được vẫn có môn Lịch sử. Trước các ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn Lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.
Thủ tướng cũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội liên quan chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp THPT.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.