Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trong đó nhiều nội dung đáng chú ý như: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn; Giáo dục kiến thức về an toàn giao thông trong trường học; Bảo vệ trẻ em và người yếu thế tham gia giao thông đường bộ; Quy định điểm, trừ điểm của Giấy phép lái xe...
Mỗi ngày xử lý hơn 2.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), thực tế cho thấy việc sử dụng rượu, bia có thể khiến người dùng bị mất tập trung khi lái xe. Một số trường hợp say xỉn còn thực hiện hành vi “phóng nhanh, vượt ẩu”, từ đó phát sinh các tình huống nguy hiểm có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, tai nạn giao thông liên hoàn, làm ảnh hưởng đến sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của người điều khiển phương tiện và cả những người xung quanh.
Qua thống kê, năm 2023 và 10 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đã xử lý gần 1,6 triệu trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 20,65% tổng số vi phạm), tính trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.300 trường hợp.
Do đó, việc cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ dần hình thành thói quen, văn hoá “đã uống rượu, bia không lái xe”, đảm bảo xây dựng nền giao thông đường bộ văn minh, an toàn.
Điểm đáng chú ý khác trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là việc quy định giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong các cơ sở giáo dục. Thông qua các buổi học, các em học sinh được hướng dẫn lái xe gắn máy an toàn nhằm nâng cao kiến thức và kĩ năng tham gia giao thông, hình thành nên ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngay từ khi còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bởi, thời gian qua nhiều em học sinh điều khiển xe gắn máy, xe mô tô đến trường nhưng chưa đủ điều kiện, chưa hiểu hết các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ý thức tham gia giao thông chưa cao, kỹ năng điều khiển phương tiện không có, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây tai nạn giao thông.
“Một trong những điểm nhấn của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là có nhiều quy định liên quan đến việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người bệnh và người già yếu, người mất năng lực hành vi dân sự tham gia giao thông đường bộ” - đại diện Cục CSGT cho biết.
Quy định điểm, trừ điểm Giấy phép lái xe
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điểm, trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX) nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông. Đối với GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông; GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó.
Cục CSGT cho biết, tính đến tháng 10/2024, Bộ Công an đã tổ chức 239 ngày đấu giá với hơn 1,6 triệu biển số ô tô được đưa ra đấu giá; kết quả đấu giá thành công 41.882 biển, tổng giá trị thu được là hơn 3.946 tỷ đồng (tổng số tiền người trúng đấu giá đã nộp là 3.520 tỷ).
Sau 12 tháng tính từ lần trừ điểm gần nhất, nếu GPLX còn điểm hệ thống sẽ tự động phục hồi. Đối với các trường hợp bị trừ hết điểm sau ít nhất 6 tháng mới được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Luật cũng phân hạng GPLX gồm 15 hạng. Việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu kể từ ngày 1/1/2025; đối với GPLX được cấp trước ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực được sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX; đối với GPLX được cấp trước ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực có nhu cầu cấp đổi, cấp lại thì được đổi, cấp lại tương ứng với các hạng GPLX theo luật định với điều kiện hạn chế.
Ngoài ra, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định khi thông tin của các giấy tờ như Chứng nhận đăng ký xe; Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; GPLX đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID , khi lực lượng chức năng kiểm tra có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó. Khi người vi phạm xuất trình giấy tờ qua VNeID thì lực lượng chức năng sẽ tạm giữ, tước giấy tờ trên môi trường điện tử.
Theo Cục CSGT, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cơ sở dữ liệu dùng chung, được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan. Ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý.
Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ được quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quỹ ngoài ngân sách Nhà nước, hình thành trên cơ sở huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội. Quỹ được quy định trong Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để triển khai việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả vụ TNGT, giảm thiểu thiệt hại do TNGT đường bộ gây ra.
Quỹ sẽ dùng để hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những người không may bị nạn trong vụ TNGT, thân nhân, gia đình của người bị nạn để họ nhanh chóng ổn định, trở lại cuộc sống thường ngày. Ngoài ra, nguồn quỹ này khích lệ các lực lượng tham gia công tác bảo đảm TTATGT đường bộ ngày một tốt hơn và huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội chung tay tham gia công tác bảo đảm TTATGT đường bộ...
theo Tiền Phong